Bụi mù - tử thần của 'Chim ưng biển' Osprey Mỹ

Bụi mù - tử thần của 'Chim ưng biển' Osprey Mỹ Khi mới treo lơ lửng trên đám mây bụi mù chưa tới một phút, chiếc máy bay V-22 Osprey chở 22 lính thủy quân lục chiến Mỹ mất thăng bằng và lao xuống đất.
  • Trực thăng Mỹ Osprey gặp thêm sự cố
bui-mu-tu-than-cua-chim-ung-bien-osprey-my

Máy bay V-22 Osprey hạ cánh thẳng đứng trong đám bụi. Ảnh: Militarynews

Ngày 17/5/2015, một chiếc máy bay V-22 Osprey trị giá 70 triệu USD của Thủy quân lục chiến Mỹ gặp nạn khi đang tham gia một cuộc diễn tập trên quần đảo Hawaii, khiến hai binh sĩ thiệt mạng và 20 người ngồi trên máy bay bị thương, tất cả chỉ vì một đám bụi.

"Chim ưng biển" V-22 Osprey là một loại máy bay đặc biệt của quân đội Mỹ, có động cơ có thể xoay một góc 90 độ để vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi trên không trung như một máy bay động cơ cánh quạt thông thường.

Sáng hôm đó, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 15 Mỹ đang đóng quân tại căn cứ không quân Bellows trên đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii để thực hiện các bài tập huấn luyện cần thiết trước khi được triển khai tới Trung Đông và châu Á.

Đây là đơn vị sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, luôn trong tư thế có thể lên đường tới bất cứ điểm nóng nào trên thế giới ngay sau khi có lệnh, nhằm nhanh chóng đối phó với các mối đe dọa và thảm họa.

Để có thể di chuyển nhanh chóng nhất tới các khu vực chiến sự hay vùng xảy ra thảm họa, Thủy quân lục chiến Mỹ chủ yếu dựa vào phương tiện chuyên chở là máy bay MV-22B Osprey. Với động cơ độc đáo của mình, Osprey di chuyển trên không nhanh hơn rất nhiều so với trực thăng, nhưng chỉ cần một không gian hạ cánh nhỏ hẹp tương tự.

bui-mu-tu-than-cua-chim-ung-bien-osprey-my-1

Sau khi cất cánh thẳng đứng, Osprey có thể bay như một máy bay thông thường. Ảnh: Military Today

Hôm đó, đơn vị số 15 đang tập làm quen với những chiếc Osprey mới, trong một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ. Cất cánh từ boong tàu chiến USS Essex, chiếc Osprey bay qua chặng đường 150 km và tiếp cận đảo Oahu, nơi các binh sĩ luyện tập cách thức đổ bộ, dỡ hàng, chất hàng lên máy bay, và trở về tàu.

5 chiếc Osprey đã liên tục bay qua bay lại giữa tàu Essex và đảo Oahu ngày hôm đó. Nhưng thảm họa đã xảy ra vào lúc 11h, khi chiếc máy bay mang số hiệu 168020 đang thực hiện chuyến bay thứ hai trở về tàu chiến.

Khi nó chuẩn bị đáp xuống bãi hạ cánh ở Bellows, hai cánh quạt cực mạnh trên chiếc máy bay này tạo ra một đám mây cát bụi vần vũ ngay bên dưới. Bụi tung lên khiến phi công không thể nhìn rõ địa điểm hạ cánh, và họ gọi tình huống này là "bụi mù".

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đối với chiếc máy bay hiện đại như Osprey. Hệ thống kiểm soát và điều khiển điện tử tiên tiến của nó có chế độ tự lái, có thể hiển thị mục tiêu điện tử trên màn hình ngay trên đầu phi công, chỉ thị cho họ địa điểm hạ cánh trong điều kiện bụi mù.

Tuy nhiên chế độ hỗ trợ hạ cánh tự động này chỉ hoạt động tốt khi cả hai động cơ của chiếc Osprey vận hành bình thường, và phi công có thể kiểm soát được máy bay. Khi phi công tìm cách hạ cánh chiếc 168020, động cơ máy bay đã hút vào loại cát núi lửa đặc trưng của Hawaii với hợp chất canxi, nhôm, magne và silicon. Với nhiệt độ lên tới gần 700 độ C trong động cơ, loại cát này bị nóng chảy bên trong ít nhất một trong hai động cơ và hóa thành thủy tinh mắc kẹt bên trong cánh quạt.

Máy bay Osprey có một bộ lọc gió có tên gọi là Bộ Tách bụi Khí Động cơ, có chức năng loại bỏ bụi bẩn trong luồng không khí đi vào để giữ cho động cơ sạch sẽ. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ phát huy tác dụng khi phi công không cho máy bay treo lơ lửng trên đám bụi dày quá lâu. Vào thời điểm đó, Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố máy bay Osprey có thể vận hành an toàn trong đám mây bụi tối đa 60 giây. Chiếc Osprey 168020 chỉ mới treo lơ lửng trong đám bụi 45 giây trước khi động cơ bên trái ngừng hoạt động.

Những đoạn video do người dân cạnh đó quay được cho thấy chiếc máy bay mất thăng bằng, rơi xuống và biến mất trong đám mây bụi. Sau đó là một vụ nổ lớn, khói lửa bùng lên. Người dân băng qua hàng rào dây thép gai bên ngoài căn cứ Bellows và chạy đến hiện trường, nơi họ phát hiện 22 binh sĩ bị thương nằm la liệt.

bui-mu-tu-than-cua-chim-ung-bien-osprey-my-2

Chiếc Osprey bốc cháy dữ dội sau khi đâm xuống đất trong đám bụi mù. Ảnh: Hawaii News

Họ đưa hai lính thủy quân lục chiến bị thương nặng nhất là Joshua Barron và Matthew Determan lên một chiếc xe bán tải để chở tới bệnh viện gần đó. Phải nửa giờ sau, quân y và lính cứu hỏa mới có mặt nơi chiếc máy bay rơi. Barron đã chết ngay sau đó, còn Determan qua đời trong bệnh viện ngày 19/5 vì vết thương quá nặng.

Chỉ vài ngày sau khi chiếc 168020 gặp nạn, nhiều tờ báo Mỹ lập tức đăng tải bài viết của một số chuyên gia phân tích quân sự, bảo vệ loại máy bay "con cưng" của Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong bài viết trên New York Post, Richard Whittle gọi vụ việc là một thảm kịch, nhưng Osprey "vẫn là một trong những máy bay quân sự an toàn nhất đã hoạt động hơn một thập kỷ".

4 tháng sau, cơ quan điều tra quân sự của Thủy quân lục chiến cho rằng sai sót của lái chính và lái phụ trên chiếc máy bay là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. "Lẽ ra hai phi công phải đưa ra đánh giá nguy cơ phù hợp để lựa chọn đường bay và địa điểm hạ cánh khác, giảm thiểu nguy cơ gặp bụi mù", tuyên bố của Thủy quân lục chiến nhấn mạnh.

Video chiếc V-22 Osprey gặp nạn khi hạ cánh trên đám bụi mù

Hai phi công này bị kỷ luật về mặt hành chính nhưng không bị tước quyền bay. Một tiểu đoàn trưởng cũng bị khiển trách vì không điều đội khảo sát đến khu vực hạ cánh trước cuộc diễn tập để đánh giá điều kiện địa hình, và vì không bố trí đội cứu hộ tại Bellows để đề phòng tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, Thủy quân lục chiến Mỹ bất ngờ hạ tiêu chuẩn về thời gian hoạt động "an toàn" của V-22 Osprey trong điều kiện bụi mù từ 60 giây xuống còn 35 giây. Theo chuyên gia phân tích David Axe của trang War Is Boring, đây là sự thừa nhận ngầm của các quan chức quân sự Mỹ rằng hai phi công trên chiếc 1680020 không có lỗi trong vụ tai nạn, và chính những hướng dẫn vận hành của Thủy quân lục chiến đã khiến phi công mắc sai lầm chết người trong ngày định mệnh đó ở Oahu.

Trí Dũng

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét