Ông Vũ Ngọc Hoàng: 'Bộ Chính trị đề nghị để một người làm Tổng bí thư'

Ông Vũ Ngọc Hoàng: 'Bộ Chính trị đề nghị để một người làm Tổng bí thư' 'Vị trí Tổng bí thư được giới thiệu với số phiếu rất ít. Có ý kiến cho rằng nên ở lại một người, có ý kiến lại cho rằng nên có 2-3 người lớn tuổi", Phó ban tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ với VnExpress.
  • Nhiều ủy viên Bộ Chính trị được giới thiệu tái cử  /  Trung ương giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng

- Quá trình chuẩn bị và giới thiệu nhân sự chủ chốt đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đầu tiên Bộ Chính trị và Tổng bí thư đề nghị tất cả ủy viên Trung ương ghi ý kiến giới thiệu cán bộ chủ chốt đối với những người còn trong độ tuổi tái cử, chưa tính những người quá tuổi (tức là giả định không có trường hợp "đặc biệt" nào quá tuổi ở lại tham gia khóa XII).

Vị trí Tổng bí thư được giới thiệu với số phiếu rất ít. Tôi hiểu Trung ương thấy các đồng chí trong tuổi đảm nhận vị trí này chưa được. Như vậy, xuất hiện yêu cầu cần phải có ít nhất một đồng chí lớn tuổi ở lại.

Lúc bấy giờ, ý kiến cũng khác nhau, có ý kiến cho rằng nên ở lại một người, có ý kiến lại cho rằng nên có 2-3 người lớn tuổi. Ở lại một người thì làm Tổng bí thư, hai người thì thêm chức danh Chủ tịch nước và 3 người thì cả Thủ tướng nữa. Bộ Chính trị đã thảo luận cho rằng ở lại 2-3 người thì nhiều và không trẻ hoá được cán bộ chủ chốt. Trước sau số trẻ hơn cũng phải làm, nên Bộ Chính trị đề nghị ở lại một người làm Tổng bí thư.

Ra Trung ương thảo luận cũng còn ý kiến khác nhau như phải ở lại 2-3 người, cuối cùng Trung ương bỏ phiếu kín. Đại đa số thống nhất phương án một người. Nhưng một người là ai? Việc này được đưa ra xin ý kiến các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thảo luận tập thể và bỏ phiếu kín. Cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều thống nhất cao đề nghị đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại.

Kết quả được công khai báo cáo ra Trung ương, kể cả những ý kiến trao đổi giữa các đồng chí chủ chốt. Các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, thường trực Ban bí thư đều đề nghị đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải ở lại, vừa là đề nghị vừa như là "giao nhiệm vụ".

Trung ương thảo luận, giới thiệu thêm các phương án khác, có ý kiến xin rút, Trung ương bỏ phiếu kín 2 lần. Lần thứ nhất là chốt danh sách, cho rút hay không. Lần thứ hai là chính thức chọn nhân sự để giới thiệu. Trung ương đã thống nhất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở lại tham gia tái ứng cử.

ong-vu-ngoc-hoang-bo-chinh-tri-de-nghi-de-mot-nguoi-lam-tong-bi-thu

Phó ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Nhật Minh

- Ngày 27/1 Ban chấp hành Trung ương khoá mới sẽ họp phiên đầu tiên để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư. Vậy việc đề cử nhân sự Bộ Chính trị và Ban Bí thư tính đến số dư như thế nào?

- Tôi nghĩ chắc chắn có số dư, giới thiệu của Trung ương khóa XI đã có số dư, Ban Chấp hành mới chắc còn giới thiệu nữa, nhưng số dư bao nhiêu thì do Hội nghị đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sẽ quyết định.

- Kỳ này có tới 9 Ủy viên Bộ Chính trị xin rút, lý do là gì?

- Đúng là có 9 đồng chí, tôi thấy Đại hội này Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất. 9 đồng chí đều là quá tuổi. Điều này chứng tỏ Bộ Chính trị đã quyết tâm trẻ hoá, lo việc chung xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ hai là công tác quy hoạch và chuẩn bị nguồn cán bộ Bộ Chính trị và Ban Bí thư tốt, có nguồn phong phú để thay thế. Riêng việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt thì chưa đủ, nên phải có một trường hợp "đặc biệt" quá tuổi ở lại.

- Vấn đề nhất thể hóa (gộp 2 chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước) từng được đề cập như thế nào?

- Việc này phải nghiên cứu tiếp. Cho đến nay, chưa quyết định được vì còn nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến nào cũng có lý lẽ. Ý kiến muốn nhất thể hóa chủ yếu là để tiện công việc giữa Đảng và Nhà nước. Nhưng ý kiến không đồng tình nói rằng chúng ta phải quan tâm kiểm soát quyền lực, đừng dồn quyền lực vào một người.

- Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhiều tới lợi ích quốc gia - dân tộc, ông bình luận gì về điều này?

- Cụm từ này không phải mới lần đầu xuất hiện trong báo cáo của Tổng bí thư mà đã xuất hiện trong một số văn bản của Đảng và Nhà nước. Lợi ích quốc gia - dân tộc tôi nghĩ phải là mục tiêu hàng đầu, cao nhất, trong xã hội và cuộc sống có thể có những lợi ích khác nhưng đều thấp hơn nó. Lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích chung của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Lợi ích nhóm tiêu cực mâu thuẫn, gây hại, làm tổn thương lợi ích quốc gia - dân tộc.

- Kỳ vọng của ông đối với các lãnh đạo chủ chốt mới là gì?

- Đó phải là những người luôn biết giữ mình trong sạch, phải chiến đấu chống tham nhũng, lợi ích nhóm, giữ lòng tin cho nhân dân, chứng tỏ là đội ngũ chân chính.

Thứ hai là phải đổi mới, tích cực đổi mới. Tôi không hy vọng người có lợi ích nhóm mà đổi mới tốt. Đổi mới phải kiểm soát quyền lực, người đó tham gia đưa ra những cơ chế hạn chế mình, kiểm soát mình.  

"Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhà nước thực sự của dân. Nhà nước ấy trước tiên sinh ra để bảo vệ nhân dân về quyền sống, làm ăn, được bình đẳng, được thật sự tự do, dân chủ; tiếp theo là phục vụ nhân dân bằng cách tổ chức quản lý tốt các dịch vụ công. Nhà nước ấy có chức năng kiến tạo đất nước phát triển và dân chủ để phục vụ nhân dân.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa ấy phải là dân chủ thực sự và phát triển cao hơn dân chủ ở các nước tư bản phát triển" - Vũ Ngọc Hoàng.  

Hoàng Thuỳ - Nhật Minh thực hiện

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét