Tranh cãi về luật tịch thu tài sản người tị nạn của Đan Mạch

Tranh cãi về luật tịch thu tài sản người tị nạn của Đan Mạch Một làn sóng phản đối đang bùng phát ở châu Âu sau khi quốc hội Đan Mạch phê chuẩn luật mới cho phép nhà chức trách tịch thu tiền bạc cùng các vật dụng có giá trị của người tị nạn.
  • Đan Mạch cho phép tịch thu tài sản của người tị nạn
tranh-cai-ve-luat-tich-thu-tai-san-nguoi-ti-nan-cua-dan-mach

Luật mới mà quốc hội Đan Mạch vừa thông qua cho phép cảnh sát lục soát và tịch thu tiền cùng các món đồ có giá trị của những người tị nạn. Ảnh minh họa: Reuters

Sau gần 4 tiếng tranh luận, dự luật do chính phủ của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đưa ra đã được 81/109 nghị sĩ tán thành vào 26/1. Theo đó, người xin tị nạn vào Đan Mạch phải nộp cho nhà chức trách mọi khoản tiền lớn hơn 10.000 kroner, tương đương 1.450 USD, hay bất kỳ vật dụng cá nhân nào có giá trị cao hơn khoản tiền này. Số tài sản bị tịch thu sẽ dùng để trang trải chi phí cho người di cư khi họ ở Đan Mạch.

Chuyên gia dự đoán, nếu luật trên được áp dụng một cách nghiêm ngặt, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy đối với các quốc gia châu Âu khác, theo Washington Post. Chính quyền Đan Mạch khẳng định việc thông qua luật mới này là điều đúng đắn. Song, giới phê bình không đồng tình.

Giới chức Đan Mạch liên tục lặp lại rằng quốc tế đã hiểu sai luật mới của nước này. Thủ tướng Rasmussen thậm chí còn gọi đây là "luật bị hiểu nhầm nhiều nhất" trong lịch sử quốc gia.

"Chúng tôi sẽ không lấy đi trang sức của người khác", CNN dẫn lời ông Jakob Ellemann-Jensen, phát ngôn viên đảng Tự do cầm quyền, nói. "Đó là một hành động thái quá. Chúng tôi không bao giờ làm thế".

Tháng trước, khi được hỏi về loại trang sức nào của dân tị nạn có khả năng bị tịch thu, người đại diện chính quyền Đan Mạch trả lời rằng: "Luật mới về tịch thu tài sản chỉ áp dụng với những vật giá trị. Vì thế, họ vẫn có thể giữ lại các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, như đồng hồ hay điện thoại di động. Thêm vào đó, theo luật, những tài sản mang ý nghĩa tinh thần đối với người nước ngoài cũng sẽ không bị tịch thu, trừ khi chúng có giá trị đáng kể".

Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho hay luật mới này tiềm ẩn nguy cơ kích động nỗi sợ hãi, tâm lý bài ngoại cùng nhiều hệ quả khác, khiến người tị nạn ngày càng bị xa lánh, đồng thời đẩy họ vào những mối nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.

Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, chỉ trích quyết định của Đan Mạch.

"Những người đã chịu đựng quá nhiều tổn thương, phải trốn chạy khỏi chiến tranh và xung đột, những người phải đi bộ cả trăm km hay đánh cược mạng sống trong các chuyến vượt biển Địa Trung Hải, nên được đối xử với lòng từ bi, sự tôn trọng và hưởng những quyền lợi đầy đủ của người tị nạn", ông Dujarric nhấn mạnh.

Ông Bent Melchior, một giáo sĩ Do Thái Đan Mạch, tháng trước cho biết đề xuất ban đầu của chính quyền dường như "có nét giống những gì mà phát xít Đức từng làm đối với các cộng đồng thiểu số". Nhiều nhà bình luận khác cũng đưa ra các nhận định tương tự, Times of Israel đưa tin.

"Kéo dài sự đau khổ của những con người yếu đuối bị chia lìa khỏi thân nhân bởi xung đột hay sự khủng bố là việc làm hoàn toàn sai trái", ông John Dalhuisen, giám đốc khu vực châu Âu và Trung Á thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế, bình luận về đạo luật mới của Đan Mạch. "Lá phiếu của các nghị sĩ trong quốc hội Đan Mạch hôm nay không chỉ cướp đi những tài sản gắn liền với người tị nạn mà còn kéo dài thêm quãng thời gian chia ly giữa họ với người thân yêu một cách không cần thiết".

Chính sự quan tâm quá lớn của dư luận quốc tế đã khiến chính phủ Đan Mạch phải điều chỉnh lại từ ngữ cũng như các tuyên bố công khai mà họ đưa ra.

Như một số quốc gia châu Âu khác, Đan Mạch không muốn có quá nhiều người tị nạn đổ vào nước mình. Nhưng cùng lúc, họ cũng cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác.

Trước phản ứng tiêu cực đến từ những nhà bình luận Anh, Pháp hay Mỹ, các chính trị gia hàng đầu Đan Mạch lại cho rằng hầu hết mọi người đều hiểu nhầm, không chỉ về dự luật mà còn về bản chất của nhà nước phúc lợi mà họ đang duy trì. Theo đó, mỗi người đều phải cống hiến hết mình để có thể nhận về lợi ích thích đáng.

Những quy định tương tự thực chất cũng áp dụng với công dân Đan Mạch nhưng cảnh sát thường không tự nhiên lục soát đồ hay hành lý của một ai đó. Thụy Sĩ và ít nhất một bang ở Đức được cho là có ban hành luật giống thế suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng hiếm khi được thực thi và không áp dụng với người tị nạn.

Một số người suy đoán, trước làn sóng người tị nạn quá lớn tiến vào châu Âu, Đan Mạch đang tìm mọi cách để chặn đứng hoặc phần nào hạn chế dòng chảy này đổ vào nước mình.  

Chính phủ Đan Mạch năm ngoái đăng tải nhiều đoạn quảng cáo trên các tờ báo của Lebanon, một trong những điểm dừng chân của người tị nạn trước khi vượt biển đến châu Âu. Các mẩu quảng cáo này liệt kê lý do không nên đến Đan Mạch, trong đó nhắc tới việc phúc lợi xã hội bị giảm sút.

Nay, với sự xuất hiện của luật tịch thu tài sản người tị nạn, suy đoán trên lại càng có cơ sở hơn. Giới quan sát cho rằng đây là cách để chính quyền Đan Mạch gửi trả người tị nạn về nước nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, nhà chức trách Đan Mạch kiên quyết phản bác các luận điểm kiểu như trên, đồng thời nhấn mạnh họ thực sự quan tâm đến người tị nạn và đã đầu tư một lượng lớn tiền bạc nhằm cải thiện tình trạng giáo dục cũng như các cơ sở vật chất phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn.

Ngoại trưởng Đan Mạch tuần trước còn lên án các phe đối lập nước này vì cố tình nói những điều không tốt về luật mới với cơ quan báo chí nước ngoài, làm ảnh hưởng tới danh tiếng quốc gia.

Vũ Hoàng

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét