Tổng bí thư: 'Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc'

Tổng bí thư: 'Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc' Một trong những tư tưởng cốt lõi được Tổng bí thư trình bày trong báo cáo sáng nay là bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
  • Chủ tịch nước: 'Đại hội XII đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới'

Sau phần khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng; nêu rõ những tư tưởng và nội dung cốt lõi trong văn kiện trình Đại hội. 

Tiếp tục con đường đổi mới

Lược lại thành tích 5 năm qua, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ rõ một số hạn chế, như chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Nhiều yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế chậm được khắc phục. 

Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu còn khó khăn. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm.

Theo Tổng bí thư, nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều yếu kém cần tập trung giải quyết. Những thành tựu của 30 năm qua khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. 

Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Phấn đấu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 

Mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được. Trung ương XI khẳng định 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này. Một trong những định hướng lớn cần thực hiện là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Tổng bí thư khẳng định cần thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới căn bản và toàn diện; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Quá trình giáo dục sẽ chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

5 năm tới, khoa học công nghệ sẽ tiếp tục được phát triển, thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

tong-bi-thu-bao-ve-loi-ich-toi-cao-cua-quoc-gia-dan-toc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo tại Đại hội. Ảnh: Reuters.

Bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Trung ương khóa XI khẳng định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt.

Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tiềm lực quốc phòng và an ninh sẽ được tăng cường, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng.

Về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế, báo cáo nêu rõ phải bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế... 

Báo cáo của Trung ương khóa XI nêu rõ cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc. 

Đoàn kết dân tộc, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền 

Khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tổng bí thư khẳng định mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

"Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn và yêu cầu chính đáng của nhân dân; có hình thức, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ", báo cáo nêu. 

Dân chủ xã hội chủ nghĩa phải được tiếp tục phát huy, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân phải được tham gia ở tất cả khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. 

Về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, báo của Trung ương khóa XI nêu rõ, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ được đẩy mạnh.

"Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền", Tổng bí thư nói.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Đánh giá công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, Tổng bí thư chỉ rõ còn nhiều hạn chế, thể hiện trên các mặt, nổi bật là: việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên. Tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao.

"Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đã làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ", báo cáo nhấn mạnh.

Tổng bí thư khẳng định, trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm.

Tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương sẽ được thực hiện nghiêm.

Công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ... sẽ được đổi mới để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp uỷ đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. 

tong-bi-thu-bao-ve-loi-ich-toi-cao-cua-quoc-gia-dan-toc-1

Danh sách Ban chấp hành Trung ương khóa XI. (Xem chi tiết)

6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII

Chốt lại bản báo cáo dài hơn 10.000 chữ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới. 

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. 

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XII.

Toàn văn báo cáo

Hoàng Thùy

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét